1. Đừng thay đổi qua lại giữa tẩy lông (waxing) và cạo lông (shaving)
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến lông mọc ngược vào trong tạo thành những đốm đen khó tẩy trên da. Đó là chưa kể khả năng da bị kích ứng thường xuyên hơn. Một khi đã chọn cách tẩy lông, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi từ sau khi waxing lần đầu cho đến khi lông đủ dài cho lần waxing tiếp theo.
2. Tẩy tế bào chết cho vùng da vừa tẩy lông
Nếu lỡ xuất hiện những chiếc lông mọc ngược bên trong, mà dễ thấy nhất là những đốm đen ở chân lông cũ bị da phủ lại, cách duy nhất để khắc phục là tẩy tế bào chết thường xuyên. Những vùng da lớn như chân, tay, bạn có thể dùng nguyên liệu thô để tẩy tế bào chết như đường, muốt hạt, ngũ cốc… Ở những vùng da nhạy cảm hơn như mặt, dưới cánh tay, vòng một nên chọn loại chất tẩy tế bào chết mịn hơn một chút.
3. Chiều dài của sợi lông quyết định mức độ đau
Để cho lông đạt đến chiều dài chuẩn trước lần waxing tiếp theo là một bài kiểm tra độ kiên nhẫn của bạn. Nếu nôn nóng waxing khi lông còn quá ngắn, rất có thể bạn sẽ chịu đau đớn nhiều hơn bình thường. Còn nếu để quá dài, một hoặc hai lần waxing có thể chưa tẩy lông được tận gốc như mong muốn. Chiều dài lông lý tưởng nhất là từ 6-12mm.
4. Dùng phấn em bé trước khi tẩy lông
Trước khi tẩy lông, da bạn cần được làm sạch hoàn toàn. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể sử dụng một ít phấn em bé để hấp thu độ ẩm còn thừa, điều có thể ảnh hưởng đến việc waxing.
5. Chú ý đến chiều tẩy lông
Khi bôi sáp tẩy lông hoặc dán miếng tẩy lông lên da, hãy theo chiều thuận của sợi lông. Khi lấy ra, bạn kéo miếng dán theo chiều ngược lại. Đây là nguyên tắc quan trọng giúp bạn tẩy lông tận gốc mà không mất nhiều công sức hay phải làm lại lần nữa.
6. Một vùng da chỉ nên tẩy lông hai lần cùng lúc
Hai lần tẩy là phù hợp đối với một vùng da, kể cả khi có phải da nhạy cảm hay không, để tránh da bị kích ứng. Nếu sau đó vẫn còn sót lông lại thì có nghĩa bạn đã tẩy lông chưa đúng cách hoặc không hiệu quả. Hãy dùng nhíp để nhổ những sợi lông còn sót lại.
7. Chú ý đến nhiệt độ của hỗn hợp tẩy lông
Một nguyên tắc quan trọng khác là chú ý nhiệt độ của hỗn hợp tẩy lông. Chắc chắn bạn sẽ không muốn da mình bị bỏng rát trước khi việc tẩy sạch lông hoàn tất.
8. Không tẩy lông vùng da nhạy cảm
Da nhạy cảm ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm da bị mụn, chàm, vảy nến, cháy nắng hoặc có bất kỳ vết thương nào chưa lành. Waxing trong những trường hợp này chỉ làm tình trạng bệnh lý của da thêm tồi tệ.
9. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
Nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất vì có thể nguyên liệu tẩy lông khác nhau. Bạn nên tuân thủ để làm đủ các bước chính, không làm sai phương pháp và đạt hiệu quả cao nhất.
10. Kiểm tra độ kích ứng của da
Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy thử waxing một vùng nhỏ trước khi thực hiện cho toàn bộ đôi chân hoặc cánh tay. Vết ửng đỏ, ngứa ngáy, châm chích không giảm hết sau khi waxing chứng tỏ bạn không phù hợp với nguyên liệu.
Sao Mai
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet