Nội dung

Đó là cách ông nhìn cây cầu như một thành phần làm nên kiến trúc tổng thể của thành phố. Nhưng với tôi, cầu Long Biên còn vượt qua cả giá trị đó. Nó không chỉ là một cây cầu nối hai bờ sông Cái với vai trò quan trọng trong giao thông, trong việc kiến thiết nên nền kinh tế - văn hóa - xã hội thống nhất liền mạch, nó còn là cây cầu chuyên chở cả kí ức và tinh thần của biết bao lớp người sống ở Hà Nội.

Ngày trước nhà tôi ở bên kia cầu, khi Gia Lâm còn là một huyện chứ chưa được lên quận. Vì muốn tôi phát triển ở môi trường tốt nhất, mọi việc học hành hay sinh hoạt ngoại khoá của tôi đều được bố mẹ tôi giao cho “bên Hà Nội”. Vậy là mỗi ngày, tôi qua sông ít nhất 2 lần...

Hồi bé tôi không thích cầu Long Biên. Tôi thấy nó già nua, xấu xí, han gỉ, cũ kĩ, và kinh khủng nhất là hình như nó... lung lay. Trên suốt cả quãng đường sang sông, không lúc nào tim tôi không đập nhặng xị vì một nỗi ám ảnh thường trực là cây cầu này hình như sắp... sập. Mặc cho bố mẹ tôi trấn an bằng mọi cách, tôi vẫn hầu như nhắm mắt úp mặt vào lưng mẹ mỗi khi qua cầu, miệng giục mẹ đạp nhanh lên, nhanh nữa lên, để cái rung rinh của mặt cầu nhanh chóng bị đẩy lùi sau lưng tôi, và dòng nước đỏ mênh mang đục ngầu dưới kia không còn làm tôi sợ hãi... Tôi đi học bơi cũng vì cảm giác bất an và trí tưởng tượng liều lĩnh về một ngày mà tôi và tất cả những người hiền lành đang đi qua cầu bỗng nhiên rơi tõm xuống nước...

Long biên - cây cầu chuyên chở quá khứ

Vài năm sau đó khi tôi lớn lên, mẹ tôi đã mất vì bệnh, cầu Long Biên đã già đi nhưng không hề gẫy như tôi tưởng, đó mới là lúc tôi dần dần nhận ra nó đẹp đẽ và ý nghĩa với tôi đến mức nào. Cây cầu vẫn ở đó, gan lì và vĩnh cửu, kiên nhẫn và hiền từ chứng kiến tất cả những kỉ niệm cũng như đổi thay đầu tiên trong cuộc đời tôi. Thử tưởng tượng có một cuộn phim ghi lại toàn bộ thời gian tôi đi đi về về giữa hai bờ sông mà xem, nó vẫn giữ nguyên dáng vẻ duyên dáng đầy tính mỹ thuật ấy, còn tôi đã từ một con nhóc con gầy quắt, đen nhẻm, lớn dần lên và xinh đẹp dần ra thành một cô gái 20 cũng gần đạt đến vẻ duyên dáng mặn mà như cây cầu, điều đó mới tuyệt vời làm sao. Chiếc cầu thì luôn trầm tư, còn tôi, trên quãng đường qua lại ngần ấy năm, tôi đã khóc cười vì biết bao nhiêu nỗi...

Bây giờ nhà tôi không còn ở bên đó nữa, nhiều khi tôi lại nhớ đến phát điên cái đường đi lối lại hoàn toàn ngược chiều với giao thông Việt Nam ấy. Tôi đã đủ lớn để không còn sợ cái rung rinh của mặt cầu. Cũng đủ khó tính để không thích người ta mang khóa Việt Tiệp lên bấm nặng trĩu lan can mà chứng tỏ tình yêu. Không thích các bà các cô rải chiếu bán mực nướng với trà chanh trà đá cho các ông các chú. Không thích người ta ăn uống, buôn bán rồi mang niềm vui trở về, rác rưởi thì bỏ lại. Không thích các đôi trẻ lũ lượt kéo hết lên cầu rồi san sát dựng xe yêu đương choán hết đường đi. Tôi cũng là người trẻ mà sao tôi khó chấp nhận điều đó đến thế...

Có lẽ vì không muốn nhìn thấy nhiều những cảnh tượng ấy, nên tôi dần dần ít lên cầu buổi tối mà chuyển sang thú vui thong thả trên cầu vào sáng sớm hay lúc chiều tà. Và trong những cuộc hội ngộ giữa tôi và cầu Long Biên, bao giờ tôi cũng mang theo máy ảnh, để ghi lại hình ảnh của tôi, của bạn tôi, của cây cầu, của bãi sông, của những người bán bánh mì giữa dốc, của những người lóc cóc đạp xe đi đâu về đâu, của những cô bán ngô trồng dưới bãi, của con tàu chốc lát lại lao vụt qua..., để xem cái gì là thay đổi, còn cái gì là bất biến? Rồi tôi nhận ra rằng, chỉ cái cách người ta cư xử với cây cầu là có đôi chút khác đi, còn bản thân nó và những gì thuộc về tự nhiên, về không gian, lịch sử, văn hóa vẫn nguyên xi như vậy. Những buổi sáng bàng bạc, nhưng buổi trưa nắng rát hay chiều mưa van vát, nét duyên dáng cổ kính của cây cầu vẫn còn đó, nguyên vẹn như khi tôi bé.

Và cũng không hiểu vì sao, mỗi lần đối diện với cây cầu này, trong tôi lại dâng lên ngập đầy cảm giác về quá khứ. Với tôi, cầu Long Biên luôn là hiện thân của quá khứ, của những gì quý giá cổ xưa, những sự kiện, những con người, những mảnh đời đã đi qua mà giá trị vẫn ngàn năm không phai bạc.

Phạm Hương Thủy

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Trạng Trình với những sấm truyền lịch sử

Cho đến nay ở Việt Nam chưa có ai sánh được danh tiếng về tài tiên tri và những sấm ký lưu truyền theo dòng lịch sử của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông giúp đỡ không chỉ riêng chúa Nguyễn dựng nghiệp lớn với 9 đời chúa, 13 đời vua, mà vạch đường cho chúa Trịnh biết cách “thờ Phật ăn oản”, cho nhà Mạc chạy về “ẩn tại Cao Bằng”. Từ đâu Trạng Trình tiên đoán về thế sự và các vùng đất “ẩn long” hoặc sẽ “vạn đại dung thân” chính xác như thế?

Xem thêm  

Thành nhà Hồ: sông phù, núi khuyết biết làm sao

Thành nhà Hồ được xây vào cuối thế kỷ 14 còn gọi là động An Tôn tọa lạc ở làng Tây Giai, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) trên cuộc đất có thế phong thủy “còn non” mà các nhà nghiên cứu địa lý xem tựa như “con rồng đang cuộn mình nhưng chưa đủ sức bay lên”…

Xem thêm