Nội dung
Chợ đêm Đồng Xuân được coi là một điểm hẹn văn hóa thú vị của du khách khi đến với mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Tôi có một anh bạn người Ấn Độ ở Hà Nội được khoảng 6 tháng với công việc nhận giảng dạy Yoga cho các trung tâm thể dục. Do lịch làm việc bận rộn, chỉ kết thúc khi đồng hồ đã điểm 10 giờ tối nên người bạn có tên Kakkar, 26 tuổi thường ít có thời gian thăm thú Hà Nội.

Có lẽ vì nghe tôi "quảng cáo" nhiều về những tụ điểm vui chơi và cả điểm hẹn văn hóa không nên bỏ qua khi đến Hà Nội, Kakkar đã quyết tâm sắp xếp thời gian khám phá. Một tối cuối tuần, khá bất ngờ khi nhận được điện thoại của anh bạn người Ấn luôn bận rộn rủ tôi đi chơi.

Địa điểm mà Kakkar muốn đến là chợ đêm Đồng Xuân. Trên đường đi, Kakkar nói vanh vách về tiểu sử của khu chợ. Nào là ra đời năm 2003, chợ được họp vào 3 ngày cuối tuần từ chập tối đến tận 12h đêm ở dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân. 

Ngoài ra, cứ mỗi tối thứ 7 đều tổ chức chương trình biểu diễn ca nhạc như hát dân ca quan họ, tuồng chèo - một nét đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Không chỉ thế, Kakkar còn rất hào hứng khi biết chợ đêm còn được coi là "thiên đường mua sắm" giá rẻ cái gì cũng có.

Bản thân tôi là người Việt khi nghe một du khách nước ngoài nói về địa điểm văn hóa nước mình với thái độ hào hứng cảm thấy rất vui, đồng thời thêm yêu mến sự cẩn thận tìm hiểu trước thông tin của anh bạn.

Do lượng người và phương tiện đi lại rất đông nên chúng tôi khá vất vả mới đến được chỗ gửi xe nằm trên đường Đinh Liệt với giá 20 ngàn đồng/xe. 

Theo chân khách tây khám phá chợ đêm hà nội

Rất đông du khách tây đến khám phá chợ đêm Đồng Xuân được họp vào dịp cuối tuần

Thiên đường mua sắm mang tên "chợ đêm"

Bước vào "địa phận" của khu chợ đêm, sự náo nhiệt, tiếng người đi thăm quan cùng tiếng giới thiệu hàng hóa tạo thành một thứ âm thanh rất đặc trưng của các khu chợ.

Quay sang phía anh bạn Kakkar, tôi cảm nhận được sự hứng thú thể hiện rõ trên khuôn mặt. Nếu nói đây là thiên đường mua sắm cũng chẳng ngoa khi có đầy đủ hết mọi thứ, từ mặt hàng truyền thống như tranh Đông Hồ, đồ gốm sứ Bát Tràng cho đến quần áo thời trang, giày dép, nồi niêu xoong chảo... Thậm chí, không thiếu đồ ăn sẵn sàng phục vụ tín đồ sau thời gian đi bộ mệt nhoài.

Khi rảo bước dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, mặt hàng thời trang có phần đông đảo "lấn át" tất cả. Gần như những kiểu mốt đang "hot" trên thị trường thời trang đều có mặt: từ áo sơ mi kẻ caro, áo trắng dáng dài, quần sooc, váy...

Theo chân khách tây khám phá chợ đêm hà nội

Một du khách đang mặc cả khi mua những chiếc vòng đeo tay

Theo chân khách tây khám phá chợ đêm hà nội

Gian hàng đồ lưu niệm như vòng tay, khuyên tai, nhẫn... luôn thu hút các khách du lịch, đặc biệt là nữ giới

Đi kèm theo đó là những tấm biển ghi lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: áo 80 ngàn đồng/chiếc, mua ngay kiểu lỡ hay thắt lưng da trâu nguyên miếng chỉ 140 ngàn đồng/chiếc...

Có rất nhiều du khách tây có mặt ở đây để khám phá khu chợ đêm chỉ họp vào những dịp cuối tuần này.  Thấy một nhóm du khách khá trẻ đang vây quanh một gian hàng quần áo, tôi liền đập tay anh bạn Kakkar đứng lại quan sát. Sau khi cuộc ngã giá thành công, một cô gái trẻ tóc vàng có vóc dáng như người mẫu cầm chiếc váy xòe họa tiết hoa bắt mắt với vẻ mặt khá ưng ý.

Chúng tôi liền đến gần hỏi thăm và biết được rằng nhóm bạn đến từ Mỹ lần đầu đến Việt Nam, thuê khách sạn gần đây nên tranh thủ đến chợ đêm thăm thú. Được biết, chiếc váy vừa nãy cô gái mua có giá 150 ngàn đồng.

"Tôi thấy chiếc váy chất cotton khá ổn, màu sắc cũng vừa mắt, đặc biệt với giá thành như vậy, quy đổi ra mệnh giá tiền nước tôi chưa đến 10 đô la thì chấp nhận được", cô gái trên vui vẻ chia sẻ khi tôi hỏi về chất lượng trang phục.

Chia tay nhóm bạn trẻ sôi nổi, chúng tôi tiếp tục rảo bước thăm quan chợ đêm và làm quen được với đôi tình nhân đến từ Úc đang xách túi to túi nhỏ chừng như vừa mua được rất nhiều đồ ở đây. Và tôi đã đoán đúng. Theo đó, cả hai mua được một bộ đồ đôi với váy liền cho nữ và áo pull cho nam có giá 360 ngàn đồng và vô số vòng đeo tay về làm kỷ niệm. 

Nhận được câu hỏi của tôi về chất lượng những món thời trang vừa sở hữu, cặp đôi trả lời thẳng thắn: "Với những cửa hàng bán trong các khu chợ hay trên vỉa hè ở Việt Nam hay các nước Thái Lan, Singapore... theo tôi thấy chất lượng và mẫu mã không có nhiều sự khác biệt. Thường chất vải chỉ dừng ở mức chấp nhận được, nhưng với giá cả phải chăng tôi cho rằng mình chẳng thể đòi hỏi hơn được".

"Như bộ đồ đôi chúng tôi vừa mua chẳng hạn, bề mặt vải không được đanh, mịn nhưng lại có màu sắc khá bắt mắt. Chỉ mong rằng khi về giặt không bị phai màu loang lổ", cô gái người Úc vừa nói vừa lôi ra chiếc áo có họa tiết kẻ trắng xanh rất bắt mắt trong túi nilon như một cách để chứng minh.

Theo chân khách tây khám phá chợ đêm hà nội

Chợ đêm Đồng Xuân luôn nhộn nhịp kẻ bán, người mua dịp cuối tuần và được coi là một thiên đường mua sắm khi có đầy đủ các mặt hàng từ quần áo đến các đồ lưu niệm

Chào tạm biệt đôi trai gái có thái độ thân thiện, tôi và Kakkar tiếp tục làm quen với 2 du khách trung tuổi đang ngó nghiêng các gian hàng lưu niệm. "Với thân hình ngoại cỡ thế này, chúng tôi rất khó kiếm được trang phục phù hợp tại đây", người đàn ông hóm hỉnh chỉ vào vóc dáng đậm đà của mình và nói.

Với thói quen mua quà tặng bạn bè và gia đình mỗi khi đi du lịch, nên 2 vị khách chỉ "nhắm" vào các mặt hàng như móc treo chìa khóa, thiệp handmade, vòng đeo tay... Và với sự giúp đỡ của tôi, 2 vị khách đã mua được những chiếc vòng đeo tay xâu gỗ có giá 30 ngàn đồng/chiếc mà trước đó chủ quán nhất định đòi 40 ngàn đồng mới chịu bán.

Những điều rút ra sau buổi tối theo chân du khách

Theo quan sát, bên cạnh người mua được đồ ưng ý, thì vẫn có nhiều du khách ra về trong tình trạng "tay không". Hỏi ra mới biết đồ thời trang bán ở chợ đêm thường không phù hợp với dáng người của những du khách châu Âu.

Bên cạnh đó, các món đồ kỷ niệm thường không có gì quá đặc biệt, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất hiện ít ở chợ đêm và người bán thấy du khách nước ngoài vào hỏi thì thường hét giá.

"Mặt hàng giống nhau nhưng mỗi shop lại đưa ra giá khác nhau khiến tôi lúng túng. Chúng tôi thường đi khảo giá rồi đến ngày về mua sau cũng không muộn", một du khách trung niên đến từ Anh tỏ ra rất có kinh nghiệm.

Bản thân anh bạn Kakkar người Ấn Độ với vóc dáng khá cao to đi cùng tôi cũng chỉ mua được chiếc vòng đeo tay đơn giản có giá vài chục nghìn.

Bên cạnh đó, được gọi là phố đi bộ cấm xe cộ, nhưng đâu đó vẫn có những chiếc xe máy vô duyên chen vào trong và bấm còi inh ỏi khiến nhiều du khách ngán ngẩm nhường đường đi. 

Dù vậy, sự ra đời của chợ đêm giữa trung tâm thủ đô thực sự mang đến nhiều nét văn hóa thú vị, vừa tạo ra thuận lợi trong việc mua sắm cho các du khách. "Nhiều mặt hàng có mặt trong khu chợ này giúp chúng tôi dễ dàng chọn lựa hơn khi du lịch đến một đất nước xa lạ", rất đông du khách đã công nhận điều này.


Trang Anh (Khampha.vn)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Phở cuốn làng Ngũ Xã

Cũng thịt bò, bánh phở, rau thơm... nhưng không phải thái sợi bánh nhỏ ra chan với nước dùng mà để miếng vuông cuốn lại như nem. Người từ nơi xa đến biết tiếng phở cuốn thế nào cũng phải ghé qua nếm thử.

Xem thêm  

Quán cuối tuần: Chả cá Hà Nội

Quán khá ấn tượng với bảng hiệu làm từ tấm gỗ hình một con cá. Nội thất được trang trí với những bức tranh sơn dầu phố phường Hà Nội. Thực khách đến đây còn được nghe văng vẳng giai điệu ả đào.

Xem thêm  

Trám - đặc sản dân dã

Trám có vào mùa cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trám có thể nhồi thịt, kho cá hoặc đem om cũng vẫn giữ vị bùi, béo. Bát cơm gạo mới trắng tinh có mấy miếng trám đen kho cá là cả một bữa tiệc đồng quê.

Xem thêm  

Tứ xứ bánh canh

Bánh canh được làm chủ yếu từ bột gạo, một số nơi ở miền nam có thêm bánh canh làm bằng bột lọc. Tại Huế có hai loại là bánh canh Nam Phổ và bánh canh cá tràu, tức cá lóc. Cách làm sợi bánh cũng như nước dùng của hai loại này khác nhau nhiều.

Xem thêm