Nội dung

Sony Alpha A230 là dòng máy dành cho người mới chơi của hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản. Với sứ mệnh ra đời thay thế "tiền nhiệm" A200 đồng thời cạnh tranh với đối thủ trực tiếp là Nikon D3000 và Canon EOS 1000D, A230 sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến vốn có ở các dòng máy tầm trung và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ chưa nhanh và sự bất tiện cố hữu trong thiết kế của Sony đã khiến sản phẩm này mất điểm trong mắt người tiêu dùng.

Sony alpha a230 cần cải thiện nhiều

Sony Alpha A230 là máy ảnh cảm biến APS-C nhẹ nhất thị trường. Ảnh: Cnet.

A230 có hình dáng tương đối giống "đàn anh" A330, với kích thước ba chiều 128 x 97 x 67,5 mm và trọng lượng 452 gram chưa kể pin và thẻ nhớ. Đây là một trong những máy ảnh cảm biến APS-C nhẹ nhất thị trường. Số lượng các phím bấm bên ngoài đã được giảm đến tối đa. Bạn sẽ tìm thấy các nút điều chỉnh Drive Mode, ISO hay hiển thị màn hình trực tiếp mà không phải thông qua các phím gián tiếp. Người dùng cũng sẽ gặp khó khăn khi muốn thay đổi điểm lấy nét vì máy chỉ cho phép làm việc này trong menu hệ thống. Khi đó, bấm giữ phím lấy nét rồi tái bố cục khung hình có lẽ là phương án nhanh và đơn giản hơn. Nút xoay chỉnh phơi sáng nằm dưới phím chụp được thiết kế hơi nhỏ và cứng, sẽ khá bất tiện khi phải chuyển cả tư thế tay cầm máy thì các ngón mới với tới được.

Sony alpha a230 cần cải thiện nhiều

Mặt sau với các phím bấm được thiết kế tối giản và màn hình LCD giao diện trực quan. Ảnh: Cnet.

Kính ngắm quang của máy tương tự "người tiền nhiệm" A200 với hệ số phóng đại 0,83x và độ phủ 95% (ở phiên bản A330 là 0.74x và 95%). Hệ thống lấy nét 9 điểm hơi khó nhìn do viewfinder nhỏ, dù sao, đây cũng là nhược điểm chung của các DSLR bình dân giá rẻ. Màn hình 2,7 inch của máy rất sáng và nét với phân giải 230.400 điểm ảnh. Bạn có thể chỉnh tay độ tương phản với 5 mức khác nhau hoặc để máy chỉnh tự động cho phù hợp với điều kiện ánh sáng môi trường. Sony đã khá cẩn thận khi trang bị cho A230 một cảm biến định hướng giúp xoay màn hình trong trường hợp máy được đặt theo chiều dọc và hai cảm biến ánh sáng đặt ngay dưới kính ngắm giúp tự động tắt LCD khi mắt ghé lại gần viewfinder.

A230 có một chế độ đặc biệt nhằm giúp những người mới chơi biết cách điều khiển độ mở và tốc độ màn chập. Màn hình sẽ chỉ hiển thị một vài hướng dẫn quan trọng nhất với hệ thống biểu tượng trực quan, vui mắt. Tính năng này được các chuyên gia đánh giá khá cao. Người dùng thậm chí có thể chụp thủ công hoàn toàn mà hầu như không gặp bất cứ khó khăn nào do sự phức tạp của các thông số như những phiên bản trước đó.

Sony alpha a230 cần cải thiện nhiều

Tại ISO thấp, màu sắc và các chi tiết được thể hiện tốt. Khi lên tới ISO 400, độ nét đã bắt đầu giảm, nhưng chưa nhận ra rõ. Nhiễu và biến dạng màu xuất hiện tại ISO 800, nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Các tùy chỉnh ISO cao hơn làm ảnh bị mờ và nhiễu rõ nét, chỉ thích hợp để in kích thước nhỏ. Ảnh: Cnet.

Cảm quang CCD của A230 có kích cỡ 23,6 x 15,8 mm và độ phân giải 10,2 Megapixel. Kết hợp với vi xử lý BIONZ, máy cho tốc độ nhanh nhưng chưa thật sự ấn tượng. Sản phẩm mất khoảng 0,4 giây để khởi động và chỉ mất chưa đầy 0,3 giây tiếp theo để lấy nét rồi chụp trong điều kiện ánh sáng tốt. Thời gian chờ giữa 2 ảnh cũng khá ngắn, khoảng 0,7 giây nếu sử dụng file RAW và 0,5 giây nếu lưu file dưới dạng JPEG. Tuy nhiên, máy mất tới 1,5 giây để hồi nếu sử dụng đèn flash, lâu hơn nhiều so với các đối thủ cùng tầm. Tốc độ chụp liên tiếp là 2,4 hình/giây, hơi thấp hơn so với Nikon D3000 và Canon 1000D (3 hình mỗi giây) dù 2 đối thủ này đã ra mắt được một thời gian.

Chất lượng ảnh cho bởi A230 được đánh giá tốt so với tầm giá. Công nghệ tối ưu hóa dải tương phản (Dynamic Range Optimizer) có thể đem lại những thước chụp ấn tượng với khả năng điều tiết các vùng thừa-thiếu sáng tương đối ổn. Màu sắc và các chi tiết được tái hiện rất chuẩn tại các cài đặt ISO thấp. Khi lên tới ISO 400, độ nét đã bắt đầu giảm nhưng chưa nhận ra rõ. Nhiễu và biến dạng màu xuất hiện tại ISO 800 nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Bạn hầu như không muốn nâng độ nhạy cảm biến lên ISO 1600 hay cao hơn vì khi đó, ảnh đã tương đối nhiễu và mờ. Nói chung, bạn cũng không thể đòi hỏi cao hơn ở dòng máy cơ bản với mức giá khá rẻ này.

Sony alpha a230 cần cải thiện nhiều

Giao diện của A230 khá rắc rối. Ảnh: Letsgodigital.

Nhược điểm lớn nhất của A230 có lẽ là phần giao diện thiết kế khá rắc rối dù Sony đã tìm cách đơn giản hóa tới mức tối đa. Bạn sẽ rối tung lên khi phải tự thiết lập các thông số về màu sắc, tương phản và độ nét của ảnh trong mỗi style. Mặc dù máy cung cấp cho người dùng cách tiếp cận thân thiện qua chế độ "Creative Style" song kết quả thu được lại khá nghèo nàn: ảnh chụp thường bị ngả sắc thái quá. Dường như trong chế độ này, cân bằng trắng tự động trên máy đã bị vô hiệu hóa một cách khó hiểu. Chức năng khử bụi cảm biến dù rất hữu dụng ở một máy ảnh bình dân nhưng không gây ấn tượng mạnh. Hệ thống cơ học chuyển động chưa đủ nhanh để đẩy hết bụi khỏi bề mặt, ảnh chụp vẫn có thể thấy các đốm đen nhỏ dù cơ chế này được sử dụng thường xuyên. Điểm an ủi duy nhất là tính năng chống rung cảm biến làm việc khá ổn. Tại tiêu cự 200 mm, bạn hoàn toàn có thể tăng phơi sáng lên 2,3 lần mà không gặp bất cứ trở ngại nào do rung lắc. Hơi đáng tiếc khi Sony dường như đã "quên mất" tính năng Live View, quay video và khả năng xoay lật màn hình vốn đang rất thịnh hành trong các dòng máy DSLR cơ bản.

Với mức giá cạnh tranh, khoảng 500 USD cho thân máy và ống 18 - 55 mm, Sony Alpha A230 là sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn một máy ảnh nhỏ nhẹ mà chất lượng vẫn thuộc "đẳng cấp DSLR". Tuy nhiên, với một số nhược điểm cố hữu về mặt thiết kế và bộ tính năng tương đối nghèo nàn, sản phẩm này cần được cải thiện nhiều hơn nữa để có thể cạnh tranh với Nikon và Canon trên phân khúc máy ảnh DSLR bình dân.

Trần Hạ tổng hợp

 

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Leica M-RED edition giá 1.8 triệu đô

siêu phẩm này do Jonathan Ive thiết kế đặc biệt, được sản xuất dành cho cuộc đấu giá từ thiện (RED) Global Fund của ca sĩ Bono thuộc ban nhạc U2. Sản phẩm sử dụng vỏ nhôm nguyên khối với hơn 21.900...

Xem thêm  

Sony A7R và Nikon Df, chọn cái nào?

​ Nikon Df - chiếc máy ảnh có cảm biến ảnh FX full-frame mới nhất của Nikon đang được nhiều người chờ đợi vì sự độc đáo trong dòng DSLR của nó. Đó là sự kết hợp phong cách cổ điển của Nikon...

Xem thêm  

Máy ảnh không dùng để chụp ảnh

Model máy ảnh độc đáo có phần " bội thực " này có tên Konstruktor từ một hãng máy ảnh không kém phần duyên dáng là Lomo. Những model máy ảnh khác của Lomo đa số đều có kiểu dáng " lạ đời " và sử...

Xem thêm