Nội dung

"Cha ơi, cho con theo với! Chờ con một tý nữa thôi! Con cá bên đồng ni to hơn, nấu canh khế cha nghen...."

Như một thước phim đã cũ, chẳng ai có thời gian lục lại để xem rằng nó đã cũ thật chưa. Như một lời nói chỉ vừa mới thoáng qua đâu đó nhưng thực ra nó không thuộc về hiện tại, chỉ tồn tại trong miền kí ức thuở bé mà thôi. Hóa ra khi nhớ, khi gồng mình để sống thật tốt thì quá khứ lại là điểm tựa bình yên nhất mà con người ta vin vào đó để vượt qua mọi chuyện. Bởi thế tôi vẫn thường vỗ về suy nghĩ của mình bằng cách góp nhặt lại từng mảnh kí ức về cha, dù ít ỏi, dù vụn vỡ nhưng đó là điều đẹp nhất tôi chưa bao giờ quên...

Năm tôi lên 6, mùa thu trải đầy khắp con đường làng bằng sự tinh khiết, nhẹ nhàng của nắng sớm mai; khi mà thời điểm này đứa trẻ nào 6 tuổi cũng nấp sau lưng mẹ bẽn lẽn đến trường học. Nhưng tôi thì không. Mẹ không đưa tôi tựu trường trong mùa thu năm ấy được, cha cọc cạch đèo tôi trên chiếc xe đạp nhỏ màu xanh nước biển. Quệt nước mắt lấm lem còn nóng hổi trên má, tôi nức nở nhìn tấm lưng ươt đẫm mồ hôi đang chờ tôi bên ngoài cánh cổng sắt kia. Kí ức về cha là những ngày đầu tiên đi học, giữa mùa thu nhuộm vàng nỗi nhớ về mẹ...

Những mảnh kí ức về cha

Năm tôi lên 10, khi mùa nước lũ dâng cao, vụ mùa chưa kịp thu hoạch xong, cha hớt hải thu gom khoảng thóc vừa mới phơi ở mảnh sân nhỏ. Cha bảo tôi lùa đàn gà con mới nở lông vàng ươm vào cái chuồng chỉ có mái che nhỏ bằng tán lá cọ. Lũ gà chiêm chiếp gọi mẹ lanh lảnh trong tiếng mưa rơi lộp độp. Cha đứng trước hiên nhà nhìn nước ngập trắng bờ ao và nén tiếng thở dài. Tôi chỉ dám im lặng nép sau cánh cửa đan bằng phên nứa...Tôi tự hỏi rằng chắc cha đang chờ mẹ!

Cũng mưa mua lũ năm tôi lên 10, cha đội mưa lội giữa ruộng sâu bùn lầy bắt mấy con cá của ao nhà tràn ra. Tôi hí hửng theo sau cầm chiếc giỏ tre mà ông nội đan cho, chân bì bõm cố bước đi thật nhẹ để lũ cá không chạy mất. Năm ấy, tôi chẳng còn nhớ nổi mình đã lớn lên như thế nào, chỉ nhớ rằng đôi mắt cha ngập trắng màu nước lũ...

Năm tôi lên 12, khi đã bắt đầu cảm nhận được nỗi buồn trong đôi mắt cha ngày càng lớn thêm và thời gian khốc liệt đang từng ngày đè nặng lên tấm lưng đã bạc thếch mùi nắng, tôi thương ông nhiều hơn! Vẫn trên chiếc xe đạp cũ kĩ năm xưa, tôi không đếm được bao nhiêu vòng quay cứ đều đều lăn bánh trên con đường cát sỏi ấy: Cha đèo tôi đi thi học sinh giỏi lúc gà còn gật gù gáy o o...

Năm tôi 15 tuổi, mẹ vẫn chưa về, lúc này tôi đã hiểu được có những điều ra đi mãi mãi...Cha tất bật sớm hôm lo cho tôi từng bữa ăn, từng đồng tiền đóng học phí, mồ hôi cha mặn chát rơi rớt xuống tấm áo đã chuyển màu nâu chàm. Lần đầu tiên cha nói với tôi rằng: "Con gái cha lớn rồi, sẽ biết tự chăm sóc bản thân mình. Sắp tới cha phải đi làm ăn xa một chuyến...". Không hiểu sao nước mắt cứ chực trào ra không thể kìm lòng được. Tôi thương cha, thương lắm nhưng cuộc đời chẳng mãi bình yên được. Ngày tiễn cha đi vào Nam, tôi thấy mắt cha nhòe đi, chẳng biết có phải vì mùa thu trời hanh hao luôn khiến người ta buồn hay không. Nhưng tôi biết cha khóc. Xe lăn bánh, hun hút xa...Tôi đứng một mình nhìn theo, trời bỗng đổ mưa tầm tã...

Và cái ngày ấy của năm tôi 18 tuổi, khi đang loay hoay thổi cơm bên bếp lửa, tiếng cha gọi lớn khiến tôi giật mình. Mồ hôi nhễ nhãi, ống quần cao thấp còn lấm bùn đất, cha hớt hải cầm lấy tay tôi: "Đậu đại học rồi con ơi!". Vỡ òa, tan chảy, hai cha con cùng khóc, nhưng là nước mắt cho ngày hạnh phúc. Nắng vẫn hanh vàng phủ lên mái ngói màu rêu, ngày đó tôi đậu đại học. Mái đầu cha cũng chẳng còn xanh nữa, vết nhăn trên đôi mắt ấy càng hằn sâu hơn...

Năm tôi...

Thời gian qua đi, những mảnh kí ức xưa cũ đó luôn nhắc nhở tôi rằng có một người vẫn nằm ở đây trong trái tim. Tôi sẽ không ngừng nhớ, sẽ tìm cho mình và cha những mảnh kí ức cho ngày sau nữa. Vì cha luôn ở đó, một nơi chốn bình yên nhất mà tôi tìm về...

Phong Linh -

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục