Nội dung

Đó là cách mà anh Trung dạy tiếng anh cho con theo hướng dẫn trong một cuốn cẩm nang.

Người cha cho biết, ngày nào cũng vậy, buổi sáng trước khi bé Bo (5 tuổi) thức dậy và ban đêm trước khi lên giường đi ngủ, anh đều bật bản tin tiếng Anh đài VOA cho con nghe. Theo lý giải của anh, mặc dù cháu còn nhỏ chưa hiểu nhưng cứ cho bé nghe tiếng Anh như thế sẽ đi vào tiềm thức, giúp bé sau này học ngoại ngữ dễ dàng hơn.

"Tôi đúc kết từ kinh nghiệm của mình thời còn là sinh viên, suốt ngày mở radio tin tức hoặc những bài hát tiếng Anh bất hủ nghe. Làm như thế một phần giúp mình có cảm giác sống trong môi trường ngoại ngữ, một phần khi học những từ mình từng nghe cảm thấy rất dễ ghi nhớ", ông bố trẻ ở quận 3, TP HCM, chia sẻ.

Thêm vào đó, mỗi khi có dịp đưa con đi đây đó, anh Trung luôn khuyến khích bé đặt câu hỏi "what is it?" (cái gì vậy) và anh là người trả lời cho con. Đó là lý do khi lên máy bay cậu bé thấy cái gì lạ lẫm đều luôn miệng hỏi bố "what is it?".

Dạy tiếng anh cho trẻ ở nhà
Ảnh minh họa: Hoctienganhtre.

Cho rằng học ngoại ngữ là phải theo đúng quy trình "nghe - nói - đọc - viết" nên chị Kiều (quận Bình Thạnh) thường mở nhạc tiếng Anh cho bé Kim nghe từ khi mới lọt lòng. Đến khi con lớn lên, chị còn mua thêm đĩa phim hoạt hình có phụ đề hoặc mở kênh phim hoạt hình tiếng Anh cho bé xem.

Thỉnh thoảng cả nhà có dịp đi sở thú, vợ chồng chị lại chỉ cho con gái nhận diện các con vật và gọi tên tiếng Anh như thế nào. Nhờ vậy mà từ năm 5 tuổi, dù chưa học ngoại ngữ bé Kim đã biết đếm số tiếng Anh từ 1 đến 100, hát được vài bài tiếng Anh và biết gọi tên một số con vật như: hổ (tiger), thỏ (rabbit), kiến (ant), mèo (cat)...

Mỗi lần đi đến đâu, bé Kim tỏ ra thích thú khi được giới thiệu hát tiếng Anh cho mọi người nghe. Mấy hôm trước, trong bữa tiệc mừng thọ ông bà nội, cô bé tự tin cất cao giọng phát âm rành rõi từng từ trong bài hát tập đếm "One, two, three, four, five, six, seven..." và được mọi người vỗ tay tán thưởng.

Ngồi vỗ nhịp tay theo lời con hát, chị Kiều hãnh diện kể: "Bài hát này ngày nào tôi cũng mở cho cháu nghe từ năm 2 tuổi đến giờ. Trẻ con học ngoại ngữ nhạy hơn người lớn mình nhiều. Tôi cũng hỏi một số bạn bè làm giáo viên thì họ bảo việc nghe tiếng Anh mặc dù các cháu còn nhỏ không hiểu nhưng cứ để bé nghe rồi từ từ mới cho học nói - đọc - viết là tốt nhất".

Hiện nay trên một số diễn đàn mạng, các bậc phụ huynh cũng chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ ở nhà khá phong phú. Như thành viên có nick name TuanLinh kể: "Nghe một số người bạn giới thiệu, ban đầu tôi cho bé học từ vựng theo quyển Let's go. Chỉ học một hai từ thôi, sau đó tôi và cháu chơi trò hỏi đáp qua lại, tôi nói tiếng Anh bé đáp tiếng Việt và ngược lại. Làm như thế bé mau nhớ lắm. Thấy con thích hát, tôi cũng mở bài hát tiếng Anh cho cháu nghe đi nghe lại rồi hát theo".

Còn chị Thu Hiền thì áp dụng phương pháp "trực quan" bằng cách dán tên tiếng Anh lên toàn bộ các vật dụng trong nhà và dạy cho con đọc. Theo chị Hiền: "Trẻ con bị thu hút bởi hình ảnh nhiều hơn. Có thể bé không thể nhớ hết nhưng mỗi lần sử dụng chiếc cốc, đôi đũa, cái chén... đều nhìn thấy chữ tiếng Anh thì bé sẽ thuộc".

Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, thầy Phạm Tiến Dũng, công tác tại Tổ chức Giáo dục đào tạo Hi! Language school đánh giá cao việc phụ huynh Việt Nam ngày càng quan tâm đến trau dồi ngoại ngữ cho trẻ. Ông cho rằng điều đó là tốt, song các bậc cha mẹ cần phải lưu ý nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi học ngoại ngữ là phải tạo cho các em tâm lý thoải mái, yêu thích một cách chủ động chứ không nên tạo sự căng thẳng hay ép buộc trẻ.

Theo ông Dũng, có nhiều cách dạy tiếng Anh cho trẻ. Bố mẹ thấy phương pháp nào hiệu quả hơn thì áp dụng cho con mình chứ không nên cứng nhắc. Đồng thời khi dạy ngoại ngữ cho trẻ, không nên trừu tượng mà hãy dùng những hình ảnh trực quan sinh động, tức là cho bé xem phim hoạt hình phụ đề tiếng Anh hoặc hình ảnh con vật, đồ dùng ghi tiếng Anh, trẻ sẽ thích thú hơn.

"Trẻ con có khả năng bắt chước rất tốt, nhất là giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu cho bé làm quen với môi trường tiếng Anh. Tùy theo khả năng của con mà phụ huynh rành tiếng Anh có thể dạy cho trẻ hỏi một số mẫu câu cơ bản như: what is it, what's he doing... Sau khi trẻ hỏi, cha mẹ trả lời và ngược lại cha mẹ hỏi để bé trả lời", thầy nói.

Ngoài những cách cơ bản như cho trẻ nghe nhạc, xem phim hoạt hình phụ đề bằng tiếng Anh... phụ huynh có thể tham khảo thêm phương pháp "Hi! BO" (tức là dạy ngoại ngữ lồng ghép trò chơi và giáo dục kỹ năng sống). Tùy theo từng độ tuổi của trẻ mà dạy những từ ngữ từ dễ đến khó. Cụ thể thầy Dũng gợi ý một số trường hợp như sau:

- Dạy bé tự bảo vệ bản thân: Khi thấy lửa (tiếng Anh là fire), bé phải biết dùng các dụng cụ dập lửa như nước (water), cát (sand) hoặc bình cứu hỏa (fire extinguisher)...

- Làm sao để nhận diện người lạ (stranger), khi có người lạ đến nhà hỏi thăm hoặc đến trường đón về bé phải làm thế nào...

- Nấu đồ ăn cần có những vật dụng, nguyên liệu nào. Ví dụ như: nồi cơm điện (cooker), muối (salt), đường (sugar)...

"Phương pháp này vừa giúp trẻ học ngoại ngữ vừa trang bị kỹ năng sống cơ bản nhất cho các em. Mỗi khi bé học được một từ nào thì cha mẹ nên thưởng để khích lệ. Hoặc mỗi lần bé đòi mua gì, muốn đi đâu chơi thì thỏa thuận gọi tên được một vật gì đó mới cho phép thì trẻ sẽ có động lực học hơn", thầy Dũng khuyên.

Thi Trân

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Làm cây dù trang trí ly nước

Đi ăn kem hay uống nước, bé thường thấy nhân viên phục vụ cắm một chiếc dù nhỏ trên ly để trang trí. Khéo tay một chút, bé cũng có thể tự làm cây dù như thế, với một sợi dây kẽm và giấy bìa, bút màu, kéo, hồ dán.

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm