Nội dung

- Từng tham gia nhiều cuộc thi liên quan đến thời trang như Siêu mẫu Việt Nam, Fashion Star, Project Runway, Aquafina Pure Fashion... và tiếp xúc với các người mẫu, nhà thiết kế trẻ, anh thấy họ còn thiếu điều gì để bứt phá hơn trong sự nghiệp?

- Với thế hệ của tôi, thời trang ở Việt Nam là một khái niệm mới mẻ. Chúng tôi thiếu thốn đủ điều, chỉ dư dả đam mê và thái độ nhiệt tình, thậm chí liều lĩnh để làm những điều mình say mê, yêu thích, với khát khao hướng đến sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ môi trường làm nghề đã buộc chúng tôi phải nỗ lực để có được thành công ngày hôm nay.

Các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện hơn chúng tôi, được tiếp xúc với xu hướng, kiến thức thời trang trong nước và quốc tế dễ dàng. Môi trường thời trang cũng có nhiều hoạt động sôi nổi hơn, nên cơ hội dành cho các bạn là không hề thiếu. Tuy nhiên nó cũng có thể gây ra sự hoang mang, thậm chí nghĩ sai, hiểu sai về nghề nghiệp, lĩnh vực này, từ đó nhiều bạn trẻ tuy có khả năng nhưng chưa chạm đến thành công đáng kể. 

Tôi nghĩ các bạn cần sự bình tĩnh, tỉnh táo, chuyên tâm rèn luyện và học hỏi mỗi ngày, để có những quyết định đúng đắn cho con đường sự nghiệp. Thành công thì thời nào cũng vậy, không bao giờ dễ dàng, và tuổi trẻ nào cũng có thiếu sót, nhưng phải biết khắc phục để hoàn thiện mình.

Công trí nhà thiết kế trẻ cần tỉnh táo để bứt phá

Nhà thiết kế công trí chỉ đạo nhân công thực hiện các bộ trang phục.

- Nhìn bề ngoài, anh có vẻ kỹ tính và nghiêm khắc. Điều này có khiến hình ảnh anh trở nên xa cách trong mắt thí sinh ở những cuộc thi anh là giám khảo?

- Trong khuôn khổ các cuộc thi, chúng tôi không chủ đích phân vai hiền vai ác giữa giám khảo. Nhưng quan điểm của tôi trước giờ là vậy, trong cuộc thi nào đứng ở vị trí giám khảo, tôi cũng đặt ra yêu cầu cao cho các thí sinh. Bởi thử thách mà dễ dàng vượt qua, các bạn sẽ dễ dãi với chính mình và khó đạt được thành công trong ngành nghề có quy luật đào thải khắc nghiệt như thiết kế thời trang. 

Nên ai xa cách tôi thì tôi đành chịu, chứ tôi chỉ muốn điều tốt nhất cho các bạn, bởi tôi cũng từng trẻ, từng đi thi như họ và tôi muốn truyền đạt hết mức có thể những kinh nghiệm của mình, trong đó có sự kỹ lưỡng và nghiêm túc trong công việc.

- Các nhà thiết kế thành danh thường ngại "truyền nghề" cho đàn em. Anh nghĩ thế nào về điều này? 

- Tôi nghĩ việc truyền nghề không khó và không có gì to tát để phải băn khoăn hay ngại ngùng. Truyền đạt những kinh nghiệm cho lớp người đi sau cũng là một cách để chúng ta cùng nhau có nhiều người giỏi hơn, đưa mặt bằng chất lượng nghề thiết kế tiến lên, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. 

Tôi không ngại truyền nghề, nhưng tôi quan tâm đến việc người trẻ tiếp thu kiến thức đó thế nào, chuyển hoá chúng vào sản phẩm và công việc của mình ra sao. Đó mới là kỹ năng của một người giỏi thực sự và biết cách học hỏi.

- Nhiều nhà thiết kế vẫn chưa rành về kỹ thuật may. Theo anh, việc cho các thí sinh tự may sản phẩm có làm hạn chế sở trường của họ? 

- Có thể đối với thí sinh, sở trường của các bạn là thiết kế chứ không phải thực hiện mẫu thật. Có nhiều nguyên nhân lý giải hiện tượng này, tôi xin không bàn đến. Nhưng nếu các bạn vừa lòng với sở trường đó và không muốn tìm hiểu, thử thách mình ở kỹ thuật may, thì đó là một suy nghĩ sai lầm. 

Một nhà thiết kế thời trang ít ra không may đẹp, nhưng phải hiểu về sản phẩm, cách thức làm ra nó, kỹ thuật ảnh hưởng đến sản phẩm cuối thế nào. Nếu các bạn không chủ động mà cứ lệ thuộc vào người khác thì khó mà thành công được. Cái gì khó khăn, thuộc về sở đoản của mình, mình càng phải đối mặt và vượt qua để nó không hạn chế được mình.

- Sau chuyến đi London vào đầu năm 2014, anh tiếp tục dự triển lãm "Not just a label" dành cho 100 nhà thiết kế đương đại thế giới tại Vicenza, Italy. Anh sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế những gì? 

- Tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện bộ sưu tập mang đi dự triển lãm nên chưa muốn công bố nhiều. Chỉ xin chia sẻ ngắn gọn rằng chủ đề lần này là "Sự thuần khiết của nước", với những kỹ thuật mà tôi cùng các đồng sự có thể làm để mang đến ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế về Haute Couture của Việt Nam. 

Còn tôi sẽ làm gì với nước thì mọi người cố gắng đợi những hình ảnh mới nhất từ Italy nhé. Sau chuyến đi tôi cũng sẽ giới thiệu bộ sưu tập đến với các khán giả trong nước sớm nhất.

Công trí nhà thiết kế trẻ cần tỉnh táo để bứt phá

Một thiết kế đính hoa 3D của Công Trí.

- Việc đem bộ sưu tập đi triển lãm ở nước ngoài giúp anh học hỏi được gì về thời trang quốc tế? 

- Rất nhiều điều, trong đó theo tôi quan trọng nhất là quan điểm của họ về ngành công nghiệp thời trang. Tôi nhận thấy họ tách bạch rất rõ khía cạnh nghệ thuật, sáng tạo và khía cạnh kinh doanh, thực dụng trong thời trang. Chính vì thế mà thời trang ở nước ngoài phát triển một cách đồng đều cả hai trường phái. Ở trong nước, nhiều người, nhiều sinh viên, thậm chí nhiều người làm nghề rồi vẫn có khi mơ hồ và không tách bạch được hai mặt trên, dẫn đến chúng ta vẫn còn đi sau thế giới rất nhiều.

- Là một trong số ít nhà thiết kế Việt theo đuổi dòng Haute Couture, anh đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế của nó khi giới thiệu ở Việt Nam? 

- Tôi nghĩ điều đó tuỳ thuộc vào việc mình nhìn nhận hiệu quả kinh tế ở góc độ nào. Haute Couture ở nước ngoài cũng không đặt nặng vấn đề doanh số trực tiếp, bởi không nhiều người giàu đủ khả năng chi trả cho những tác phẩm nghệ thuật có giá trị khổng lồ. Nhưng nhờ những tuyệt tác cầu kỳ đó mà tên tuổi của thương hiệu được củng cố và lan truyền rộng rãi, mở đường cho việc kinh doanh sản phẩm liên quan với giá thân thiện hơn, thậm chí những thương vụ hợp tác khác ngoài thời trang có thể mang những khoản lợi không hề nhỏ.

Ở Việt Nam, tôi hiểu không nhiều người có khả năng mua sản phẩm thuộc dòng Haute Couture. Nhưng có thể từ việc biết đến tôi với những show diễn từng tham gia, khách hàng sẽ ủng hộ ở dòng Ready to wear, hoặc cả dòng thời trang nam. Vậy thì Haute Couture không thể nói là không có chút hiệu quả kinh tế nào ở Việt Nam.

- Anh cần đến bao nhiêu người phụ việc và mất khoảng bao lâu mỗi khi cần hoàn thành một bộ sưu tập Haute Couture? 

- Chắn chắn là rất nhiều, nhiều người, nhiều giờ, nhiều công sức, cái gì cũng nhiều thì mới xong được một ít mẫu đủ cho một bộ sưu tập. 

Công trí nhà thiết kế trẻ cần tỉnh táo để bứt phá

Để làm ra một sản phẩm dòng cao cấp, nhà mốt cần rất nhiều nhân công cũng như thời gian để hoàn thiện.

- Các thiết kế cho cuộc triển lãm tại Vicenza trong tháng 5 có điều gì đặc biệt?

- Bộ sưu tập "Sự thuần khiết của nước" được sáng tạo dựa trên yếu tố quen thuộc: Nước. Đây là cảm hứng sáng tạo luôn làm tôi thích thú, bởi nước là một thành tố độc đáo, muôn hình vạn trạng. 

- Liên tiếp ra mắt bộ sưu tập trong năm 2013 và nửa đầu 2014, anh phân bố thời gian thế nào để vun đắp cảm xúc cho những sáng tạo và mới đây là kỹ thuật in chuyển nhiệt trên áo dài?

- Thực sự tôi không hay gặp khó khăn khi sắp xếp thời gian cho những cảm xúc hay sáng tạo, bởi chúng thường không đến những lúc tôi chủ định. Cảm xúc và cảm hứng có thể đến từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, quan trọng là mình nắm bắt, lưu trữ chúng ra sao, để đến khi cần là có thể bật ra ngay. Tôi vẫn tự sắp xếp cho mình thời gian thư giãn giữa các đợt công việc để tái tạo năng lượng cho thời gian tới.

Vân An thực hiện

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục