Nội dung

Chán lắm các mẹ ạ. Nhiều lần em cũng muốn lên các diễn đàn mà "than thở" với mọi người cho bớt phiền muộn. Thế nhưng lại sợ nhiều mẹ nói: "Không biết dạy con thì kêu ca nỗi gì", hay: "Về mà dạy nó đi, lãng phí thời gian lên mạng kêu ca để con ở nhà hư thêm tí nữa!" Thế là em đành... im lặng! Nhưng giờ em bất lực rồi các mẹ ạ, vì có cố gắng thế nào cũng không khiến "nó" ngoan ngoãn một chút được. Buồn thì đã đành, nhưng mỗi khi có ai hỏi về con cái là em thấy xấu hổ không muốn ngẩng mặt lên.

Mà có phải em không chịu dạy dỗ gì cho cam, từ 2 - 3 tuổi con đã được ông bà, bố mẹ uốn nắn rồi, chứ chẳng đợi đến lúc nó lớn lên mới chỉ bảo. Vậy mà nước đổ đầu vịt hết. Em chẳng hiểu sao mọi người trong nhà, từ ông bà đều sống rất mẫu mực và gần gũi, yêu thương nhau, trước giờ chưa hề có điều tiếng gì; mà con lại ngỗ ngược như thế. Phải nói rằng nó "nổi loạn" từ bé ấy các mẹ ạ. Bố mẹ thì hiền lành mà con tính tình hết sức cục cằn. Lúc nhỏ, không thích ăn gì là con hất tung mọi thứ lên, không vừa ý thứ gì là la hét, phá phách rồi gào lên ăn vạ. Càng lớn con càng khó bảo, ai nói gì cứ lặng im, chẳng nghe lời cũng chẳng cãi, nhưng đố bao giờ nó chịu làm theo. Đến mức, không ít lần em điên tiết cầm roi ra vụt cho tới tấp nó mới chịu thôi mấy cái trò nghịch ngợm đi. Thật lòng, em chẳng muốn đánh con chút nào, con mình dứt ruột đẻ ra, lại còn bé tí nên xót lắm. Có điều, không cho "ăn roi" như vậy thì con không bao giờ chịu nghe lời. Lúc bé đã thế, em sợ lớn lên không bảo được nó mất!

 Cha mẹ điên tiết vì con hư

Bài liên quan: 

Em buồn quá các mẹ ơi. Ngày xưa cứ nghĩ có con thì thích lắm, tưởng tượng nó sẽ dễ thương, ngoan ngoãn nên đi đâu em cũng sẽ bế con theo. Thế mà giờ, có lần lớp đại học họp mặt, cho con đi cùng mà lúc về em đã không dám ngẩng đầu lên chào bạn bè nữa. Chuyện là lúc mới đến, các bé khác khi được mẹ "xi nhê" xong là chào các cô, các chú rối rít. Còn thằng bé nhà em mẹ có lay có giật, có van vỉ hết hơi rằng con chào mọi người đi, nó vẫn lì mặt im lặng. May mà chẳng ai để ý, chấp nhặt trẻ con nên đều xua tay bảo đừng ép bé, chắc nó lạ nên không dám chào thôi. Rồi mọi người còn khen thằng bé trông kháu khỉnh, hiền lành (!). Em cũng thầm mừng vì thấy con không phá phách như lúc ở nhà nữa, cầu mong nó cứ ngồi im đến hết buổi tiệc rồi về. Thế nhưng khi đang ăn, con lại đòi mẹ gắp cho món ở rất xa. Vì muốn giữ lịch sự nên em nói nhỏ với con là ăn tạm món khác, rồi vội vã gắp thức ăn vào bát cho nó. Thằng bé vùng vằng không chịu ăn. Đúng lúc đó cô bạn em thấy thế liền hỏi: "Thế con muốn ăn gì nào? Cô gắp cho con nhé?!" Em vôi xua tay: "Thôi kệ cháu, các cô cứ ăn đi, cháu món gì cũng ăn được mà". Không ngờ con lập tức phản ứng lại bằng cách hất mạnh phần thức ăn trong bát nó ra bàn, văng cả vào người khác. Lúc đó em giận tím mặt nhưng vẫn phải cố gắng kiềm chế, rối rít xin lỗi mọi người và chữa ngưỡng bằng cách bắt con xin lỗi. Nhưng thằng bé vốn tính ương ngạnh, nhất định không chịu mở miệng xin lỗi câu nào. Được mọi người xúm lại can ngăn, nó còn được thể khóc toáng lên làm các bàn xung quanh phải bỏ dở bữa tiệc vui vẻ để quay ra xem có chuyện gì. Thật, giá lúc đó có cái lỗ nào dưới đất chắc em đã chui luôn xuống cho khỏi ngượng rồi.

Từ đó, mỗi lần đi đâu là em giấu biệt con ở nhà, kẻo lại mất mặt thêm lần nữa. Thế mà cũng có yên với nó đâu. Như hôm qua chẳng hạn, nhà vừa có khách ở công ty bố qua ăn cơm. Con thì mải chơi siêu nhân với robot nên mẹ gọi khản giọng không chịu vào bàn. Em phải ra cất ngay mấy con robot đi thì nó "đùng đùng" nổi giận, vớ được cái hộp gỗ và quăng luôn vào mâm. Hậu quả là thức ăn rơi tung tóe, bố phải muối mặt xin lỗi và phải mời khách đi ăn hàng. Ở nhà sau đó không khác gì cái chợ, con khóc đằng con, mẹ khóc đằng mẹ. Ông bà thì lặng lẽ thở dài rồi dọn lại đống đồ lung tung, chẳng ai buồn nuốt miếng nào nữa.

Em đến bất lực với con thôi các mẹ ạ. Từ nhẹ đến nặng, đến cả đòn roi cũng có rồi mà nó chẳng chịu nghe gì cả. Em đã tìm hiểu, học hỏi về nhiều phương pháp giáo dục trẻ lắm mà toàn thất bại thôi. Mà chẳng hiểu sao thằng bé lại hư như thế nữa. Cũng được nuôi nấng, dạy dỗ đàng hoàng; mà môi trường gia đình thì hòa nhã chứ có phải lộn xộn đâu mà con không ngoan được là sao? Trong khi những đứa trẻ khác dễ thương tới mức nhìn là muốn ôm vào lòng, thì con em đến cả bố mẹ cũng không muốn gần gũi nữa. Không phải em không yêu con, nhưng nó khiến em không thể yêu nổi ấy. Tình hình này chắc em không dám nghĩ đến chuyện đẻ đứa thứ hai đâu, kẻo em phát điên phát rồ mất thôi.

Em biết những tâm sự của mình ít nhận được sự đồng cảm, là vì hầu hết các bé khác đều rất ngoan ngoãn nên chẳng mẹ nào phải phiền muộn như em. Chỉ hi vọng có mẹ nào chỉ có em cách phải dạy dỗ làm sao để con em bớt hư với. Cứ thế này em chán lắm rồi, đẻ con ra mà không dạy được nó em bất mãn kinh khủng. Em còn lo lắng chẳng biết tương lai rồi sẽ ra sao nữa, khi con đang dần lớn hơn và độ hư cũng tăng theo. Thật, nhiều khi em chỉ muốn chết quách đi cho rảnh nợ thôi. Chứ nhà em bình thường êm đềm là thế, mà dạo này cũng nháo nhào cả lên. Nhiều khi cứ như cái chợ vỡ vì con vậy. Vợ chồng em nhiều khi bất lực vì con cũng sinh ra cãi vã nhau um tỏi. Đúng là sinh được đứa con ngoan thì gia đình hạnh phúc vô cùng, còn như em thì giờ đúng là đang sống trong địa ngục. 

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị ‘chìm nghỉm’?

Trước tình trạng trẻ tử vong đuối nước có xu hướng ngày một tăng cả về số người lẫn số vụ, cách đây mấy năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường tiểu học trên cả nước phổ cập dạy bơi cho học sinh. Nhưng đến nay, đề xuất này vẫn trên giấy.

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm